Đây là câu hỏi mình nhận được trong buổi café với một Sếp hôm qua.
Thường thì mình hay hỗ trợ các Sếp thẩm định mục đích của mình qua 13 câu hỏi dưới đây. Các Sếp có thể tự vấn bản thân, nhưng theo kinh nghiệm của mình, việc có người khác đặt câu hỏi và dẫn dắt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Khi có sự tương tác, bối cảnh phù hợp và những lời cổ vũ chân thành, các Sếp thường bật ra được những “khoảnh khắc vàng” – khi câu trả lời trở nên rõ ràng hơn.
- Tại sao mục đích này lại quan trọng đối với bạn?
- Trải nghiệm cá nhân nào đã dẫn đến việc bạn xác định mục đích này?
- Lần đầu tiên bạn nhận ra mục đích này là khi nào và trong hoàn cảnh nào?
- Bạn đã làm gì để theo đuổi mục đích này?
- Những quyết định quan trọng trong sự nghiệp hoặc cuộc sống của bạn đã chịu ảnh hưởng bởi mục đích này như thế nào?
- Bạn đã gặp khó khăn gì trong việc duy trì mục đích này? Bạn đã vượt qua như thế nào?
- Nếu không có ai ủng hộ bạn trong việc thực hiện mục đích này, bạn có tiếp tục không? Tại sao?
- Bạn sẵn sàng đánh đổi hay hy sinh những gì để đạt được mục đích này?
- Bạn nhìn thấy mục đích này phát triển như thế nào trong tương lai?
- Nếu đạt được mục đích này, điều đó sẽ thay đổi cuộc sống của bạn và những người xung quanh ra sao?
- Nếu mục đích này thay đổi, bạn có sẵn sàng thích nghi? Làm thế nào để bạn vẫn giữ vững được giá trị cốt lõi của mình?
- Có điều gì bạn đang làm hiện tại không phản ánh mục đích này không? Nếu có, tại sao?
- Bạn sẽ mô tả mục đích cốt lõi này cho người khác như thế nào qua hành động của mình, chứ không chỉ qua lời nói?
Sếp hôm qua còn đặt thêm một câu hỏi rất thú vị: Ngay cả khi đã trả lời hết những câu hỏi trên, liệu có chắc rằng mục đích mình đang theo đuổi là chính xác và phù hợp với bản thân không?
Với mình, đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn là cả một quá trình trăn trở, hành động, quan sát, và chiêm nghiệm.
Hôm nay, mục đích này có thể rất rõ ràng và đầy cảm hứng đối với mình. Nhưng ngày mai, khi có cơ hội tiếp xúc với những ý tưởng mới hoặc mở rộng tầm nhìn, mình lại thấy cần có sự thay đổi – điều đó là hoàn toàn bình thường. Trước khi thành danh rực rỡ, Samsung khởi đầu với việc buôn bán tạp phẩm, Sony sản xuất nồi cơm điện, IBM thì bán máy đếm thẻ đục lỗ… Chúng ta thường được nghe những câu chuyện khi người khác đã thành công và bị hút vào những thứ lóng lánh.
Điều quan trọng nhất là luôn thành thật với chính bản thân mình. Mục đích phát biểu phải kết nối với cảm xúc bên trong và dần dần kết tụ thành một niềm tin sâu sắc. Để làm được điều đó, cần tỉnh táo phân loại và đón nhận các góc nhìn, lời góp ý, thậm chí là những phê bình hay phán xét từ bên ngoài. Suy cho cùng, rất hiếm khi những người xung quanh có thể chịu trách nhiệm về chất lượng cuộc sống của chính mình.