Bàn về hạnh phúc
Hạnh phúc là mong muốn của toàn nhân loại. Hạnh phúc là nói một cách văn hoa, còn nói theo dân gian là sung sướng, là thỏa mãn.
Hạnh phúc, chủ yếu là trạng thái tâm lý, trạng thái tinh thần. Ăn ngon được nhiều người cho là sướng, nhưng được ăn uống những món cao lương mỹ vị mà trong lòng đầy lo âu, đầy thù hận thì không sướng bằng ăn củ khoai khi đói, trong cảnh vui vẻ, đầm ấm.
Hạnh phúc, chủ yếu là sự cảm nhận bằng tinh thần. Mình đang nghèo đói, đang mong kiếm được tiền để thoát nghèo, vậy kiếm được tiền là hạnh phúc. Nhưng nhiều người có nhiều tiền mà chẳng thấy hạnh phúc vì họ muốn có sức khỏe, muốn có tình yêu mà chưa có hoặc đã đánh mất.
Hạnh phúc là trạng thái thỏa mãn, bình an vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Nó chủ yếu là trạng thái tinh thần nội tại. Nguồn gốc của hạnh phúc có một phần đến từ bên ngoài, do khách quan đem lại, nhưng chủ yếu là từ cảm nhận của bản thân, là từ bên trong.
Hạnh phúc được diễn ra theo hai trạng thái : bình thường và đột xuất.
Hạnh phúc bình thường diễn ra trong suốt cuộc đời, nó là thứ mọi người cần có. Nếu sống mà không cảm nhận được hạnh phúc thì thật là buồn chán, vô vị. Hạnh phúc đột xuất xẩy ra trong thời gian ngắn, do đạt được một mong ước, một nhu cầu hoặc một thành công nào đó.
  1. Hạnh phúc bình thường
Cuộc đời mỗi người có hạnh phúc nhiều hay ít, suy cho cùng là từ cuộc sống nội tâm, là sự chấp nhận hoặc phản ứng lại những tác động từ bên ngoài.
Đời người thực sự hạnh phúc khi nội tâm được thanh thản, không phải lo toan kiếm ăn hoặc nợ nần, không có gì phải lo sợ, không có gì phải lệ thuộc hoặc cầu xin người khác, không phải mang lòng oán hận hoặc thù ghét, không bị bệnh tật hoặc tai nạn dày vò, được sống ung dung, tự tại.
Cần phân biệt nội tâm thanh thản và thói quen thích an nhàn. Lúc còn trẻ người ta cần nổ lực trong học tập và hoạt động để tạo lập cuộc sống, để đóng góp giá trị cho xã hôi. Chỉ đến lúc gần cuối đời, khi mà cuộc sống ổn định thì người ta có thể nghĩ đến và thực hành thú an nhàn của tuổi già. Lúc còn trẻ mà quan tâm đến an nhàn thì dễ rơi vào tình trạng lười nhác, lêu lổng.
Để thể hiện mong ước người ta thường viết, xin hoặc mua CHỮ để thờ hoặc trang trí. Những chữ thường gặp như: Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, Đức, Hiếu, Đạo, Nhẫn, Thành, Hòa v.v…, viết bằng chữ Hán. Có vị nói đùa rằng, ai đến xin chữ, họ sẽ viết cho một chữ S, hoặc 2 chữ SS. Có người đoán đó là Sức khỏe, Số phận, Đất nước, Sáng suốt. Nhưng không phải, mà là Sướng, hoặc Sung Sướng, thể hiện thực chất mong ước của mọi người.
2. Hạnh phúc đột xuất
Hạnh phúc đột xuất là niềm sung sướng nhất thời do vừa đạt được một ước mơ, một thành công nào đó. Vậy để có hạnh phúc trước hết cần có mong ước, có nhu cầu. Mong ước bình thường thì dễ đạt được, nhưng hạnh phúc chỉ vừa phải. Mong ước càng cao, càng khó đạt, nhưng khi đạt được thì hạnh phúc càng lớn. Đó cũng chỉ là trạng thái tinh thần.
Mong ước hay kỳ vọng là khởi đầu của thành công và hạnh phúc, nhưng nếu mong ước quá cao, kỳ vọng quá lớn, vượt ra ngoài khả năng thì nhiều khi là kẻ thù của hạnh phúc, vì nó tạo ra thất vọng, đau khổ.
Mong ước của người ta có nhiều loại khác nhau. Về mặt tác dụng có thể tạm chia làm hai: Thiện và bất thiện. Mong ước thiện khi mà nó mang lại sung sướng cho mình đồng thời cho nhiều người khác, ít nhất cũng không làm hại đến ai. Mong ước bất thiện khi làm cho mình sướng thì có người bị khổ, bị thiệt vì chuyện đó. Khi số người bị thiệt càng nhiều, sự thiệt hại càng nặng thì sự bất thiện càng lớn. Như thế, có cái sướng thiện và bất thiện. Vậy Hạnh phúc là sung sướng lương thiện, là sự thỏa mãn nhu cầu có tính thiện. Còn sự thỏa mãn nhu cầu có tính bất thiện thí có lẽ chỉ xem là sự sung sướng dã man, độc ác chứ không phải là hạnh phúc chân chính
4
0 comments
Nguyễn Mạnh Tuấn
6
Bàn về hạnh phúc
The New Rich (Free)
skool.com/thenewrich
The New Rich, cộng đồng phát triển công việc kinh doanh giúp bạn đạt được Hạnh Phúc - Thịnh Vượng - Tự Do thông qua đòn bẩy Social Media.
Leaderboard (30-day)
powered by