Ai cũng sẽ giỏi kể chuyện nếu làm theo cách này
Thành thạo Storytelling là bạn sở hữu siêu sức mạnh có thể tác động mạnh mẽ đến tâm trí độc giả và giúp cho con đường xây dựng nhân hiệu chân thực của mình suôn sẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, thực tế là không ít người có niềm tin giới hạn rằng họ không thể KỂ CHUYỆN hay, hoặc nghĩ về Storytelling như một kỹ năng cao siêu.
Là người chấp bút cho nhiều thương hiệu và viết cho chính bản thân, tôi khẳng định với bạn rằng, Kể chuyện là kỹ năng có thể luyện được, không phải là một tài năng bẩm sinh.
Ngay cả khi bạn cho rằng mình là một người kể chuyện tồi đi chăng nữa thì điều đó vẫn có thể được cải thiện nếu bạn làm theo 3 cách sau:
  1. Học hỏi từ những người kể chuyện xuất sắc
  2. Nắm vững các công thức/framework kể chuyện hiệu quả
  3. Thực hành kể chuyện thường xuyên
1️⃣ HỌC HỎI TỪ NHỮNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN XUẤT SẮC
Một trong những cách mà tôi thường xuyên áp dụng để rèn luyện, nâng cao kỹ năng Storytelling là học từ những người kể chuyện xuất sắc cùng nguồn tài nguyên chất lượng.
Bằng cách follow và dành thời gian đọc, phân tích các bài viết của các cây viết, Creator siêu giỏi trên thế giới, tôi hiểu được cách họ cấu trúc câu chuyện và xây dựng cốt truyện hấp dẫn như thế nào, sử dụng ngôn từ giàu cảm xúc ra sao...
Alex Cattoni - Copywriting Queen của thế giới tiếp thị hiện đại và Mel Robbins, tác giả cuốn sách nổi tiếng thế giới “Quy tắc 5 giây” là hai trong số nhiều nhân vật mà tôi theo dõi và học được rất nhiều từ họ. Cả hai đều thường xuyên áp dụng Storytelling trong nhiều chia sẻ trên Social. Thời điểm cuối năm ngoái, tôi đã rất ấn tượng và đồng cảm sâu sắc khi đọc POST NÀY của Mel với 192.025 likes.
Một ví dụ khác đó là TED Talks, nơi có những bài diễn thuyết truyền cảm hứng, cũng là một nguồn tài nguyên tuyệt vời để cho bạn học hỏi. Bởi vì hầu hết diễn giả trên TED Talks đều là những bậc thầy về kể chuyện bạn ah.
Diễn giả quốc tế Akash Karia đã nghiên cứu hơn 200 bài TED talks phổ biến nhất cho cuốn sách của mình - TED Talks Storytelling. Ông đã phân tích cấu trúc, thông điệp và cách phát biểu của từng bài thuyết trình và phát hiện ra rằng, “thành phần ma thuật” đã làm cho mỗi bài thuyết trình của TED trở nên quyến rũ là do tất cả các diễn giả đều đã thuần thục “Nghệ Thuật Kể Chuyện”.
Như BÀI THUYẾT TRÌNH NÀY chẳng hạn. Phóng viên Mariana Atencio từ đài NBC News đã đi khắp thế giới từ Haiti tới Hongkong và kể cho mọi người về những trải nghiệm quý giá mà theo như cô nói: “Tôi đã đi du lịch khắp thế giới, nói chuyện với mọi người đến từ mọi địa vị trong xã hội. Bạn biết tôi học được điều gì không? Điểm chung duy nhất của chúng ta là đều là con người”.
2️⃣ NẮM VỮNG CÁC CÔNG THỨC/FRAMEWORK KỂ CHUYỆN HIỆU QUẢ
Để bắt đầu kể chuyện, thật sự là bạn “không cần” sáng tạo. Đúng, bạn không đọc nhầm đâu. Những câu chuyện hay đều dựa vào công thức hoặc framework đã được chứng minh hiệu quả. Có một công thức rất đơn giản giúp bạn bắt đầu kể chuyện dễ dàng đó là:
[Một nhân vật, Rơi vào điểm thấp nhất, Nhưng kết thúc có hậu]
Công thức này được tiết lộ bởi Dave Lieber - một diễn giả chính của Cơ quan giám sát Dallas Morning News, người đã kể chuyện gần 40 năm. Trong bài nói chuyện TED của mình “Sức mạnh kể chuyện để thay đổi thế giới”, Dave có chia sẻ rằng đây là công thức mà ông vẫn luôn sử dụng cho các câu chuyện của mình. Nó gồm có 3 bước:
Bước 1. Giới thiệu nhân vật
Ví dụ: Hương đã làm kế toán trong 20 năm.
Bước 2. Đưa câu chuyện đến điểm thấp nhất
Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, cô rơi vào cảnh thất nghiệp khi công ty giải thể và trong nhiều tháng sau đó, cô vẫn không tìm được việc làm.
Bước 3. Xoay quanh vấn đề và giải quyết vấn đề với một kết thúc có hậu
Cần bắt đầu bán ngay một cái gì đó là cách để duy trì cuộc sống. Nghĩ vậy, Hương đã mạnh dạn khởi nghiệp độc lập, “bán” kỹ năng mà cô có hiểu biết sâu nhất và thành thạo trong nhiều năm trời - Đó là quản lý tài chính.
Hiện cô được nhiều người biết đến với vai trò là Chuyên gia Tài chính cá nhân khi giúp nhiều chị em phụ nữ có thể tự tin lập kế hoạch, phân bổ và sử dụng nguồn tài chính của bản thân một cách hợp lý để đạt được các mục tiêu đề ra.
Bạn thấy đấy, cũng không quá khó để viết phải không nhỉ? 😊
3️⃣ THỰC HÀNH KỂ CHUYỆN THƯỜNG XUYÊN
“Trăm hay không bằng tay quen”. Viết cũng vậy. Giống như luyện cơ bắp, bạn càng viết nhiều thì bạn càng viết tốt và bạn càng kể chuyện nhiều thì càng kể chuyện hay. Không có cách nào để trở thành một người kể chuyện tuyệt vời tốt hơn là luyện tập, luyện tập và luyện tập.
Hãy bắt đầu bằng cách kể lại những câu chuyện đơn giản trong cuộc sống hàng ngày của mình. Bạn có thể kể về một sự kiện thú vị đã diễn ra, một bài học quý giá bạn đã học được, hoặc thậm chí là những cảm xúc bạn trải qua…
Nếu bạn vẫn cảm thấy mình không biết kể gì khi mới bắt đầu viết để xây dựng nhân hiệu, bạn rất nên đọc bài này có trong TNR.
Thời gian đầu, tôi nghĩ bạn nên viết theo công thức để đảm bảo câu chuyện được chặt chẽ, “không lạc lối” đã. Dần dần theo thời gian, bạn sẽ thấy mình trở nên tự tin và thành thạo hơn trong việc kể chuyện. Bạn sẽ viết linh hoạt, tùy biến chứ không cần máy móc, cứng nhắc nữa.
Tóm lại thì, mỗi câu chuyện đều có giá trị riêng của nó. Đừng ngại ngần chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ, góc nhìn của bạn với thế giới.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cách câu chuyện của mình có thể kết nối và truyền cảm hứng cho người khác như thế nào. Hãy bắt đầu ngay hôm nay và trở thành người kể chuyện tuyệt vời mà bạn luôn mong muốn nhé!
---
Bạn có thể xem thêm các bài khác của tôi về chủ đề Viết Để Xây Dựng Nhân Hiệu Chân Thực TẠI ĐÂY nhé.
55
75 comments
Kim Chi Copywriting
7
Ai cũng sẽ giỏi kể chuyện nếu làm theo cách này
The New Rich (Free)
skool.com/thenewrich
The New Rich, cộng đồng phát triển công việc kinh doanh giúp bạn đạt được Hạnh Phúc - Thịnh Vượng - Tự Do thông qua đòn bẩy Social Media.
Leaderboard (30-day)
powered by