Hiện nay, trên các Job description của các công ty yêu cầu người BA cần có kiến thức về mô hình phát triển phần mềm. Vậy tại sao người BA cần phải có kiến thức đó? Các công ty đang sử dụng mô hình nào là nhiều nhất? Cùng mình trả lời các câu hỏi trên qua series này nhé!
Mô hình phát triển phần mềm là gì?
Nói một cách dễ hiểu, mô hình phát triển phần mềm là một kế hoạch hoặc phương pháp giúp các đội ngũ phát triển phần mềm biết phải làm gì và làm thế nào để xây dựng một sản phẩm phần mềm từ đầu đến cuối. Nó giống như một bản hướng dẫn để đảm bảo mọi bước được thực hiện đúng và hiệu quả.
Mô hình phát triển phần mềm được xây dựng dựa trên các bước của vòng đời phát triển phần mềm (SDLC - Software Development Life Cycle). Nhiều loại mô hình phát triển phần mềm khác nhau được tạo ra dựa trên cách các giai đoạn trong SDLC được tổ chức, thực hiện và kết hợp với nhau. Do đó, mỗi doanh nghiệp có thể chọn một mô hình phát triển phần mềm phù hợp nhất để đạt được mục tiêu riêng của mình.
Trước khi đi tìm hiểu các mô hình phát triển phần mềm đang phổ biến hiện nay, chúng ta sẽ quay lại tìm hiểu một chút về Vòng đời phát triển phần mềm để xem trong Vòng đời sẽ có các giai đoạn nào?
Vòng đời phát triển phần mềm có 6 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thu thập, phân tích yêu cầu (Requirement Analysis)
Để xây dựng được một phần mềm thì trước tiên ta cần hiểu đề xuất của khách hàng từ đó thu thập các yêu cầu chi tiết để có giải pháp hiệu quả.
Giai đoạn 2: Thiết kế (Planing & Designing)
Việc thiết kế phải bảo đảm rằng hệ thống phần mềm sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của sản phẩm, cũng như đảm bảo rằng các yêu cầu trong tương lai có thể được giải quyết. Ở đây thiết kế có thể bao gồm thiết kế ứng dụng, mạng, cơ sở dữ liệu, UI/UX,..
Giai đoạn 3:Thực hiện (Implementation)
Sau khi trao đổi với khách hàng và chốt được phương án phát triển tốt nhất. Ở giai đoạn này, các lập trình viên tiến hành coding theo những tài liệu và mẫu thiết kế được khách phê duyệt.
Giai đoạn 4: Kiểm thử (Testing)
Để tránh việc sau khi phát hành sản phẩm người dùng sử dụng không hài lòng vì quá nhiều lỗi, vì vậy, sau khi các tính năng được hoàn thiện sẽ tiến hành thử nghiệm phần mềm.
Giai đoạn 5: Triển khai (Deployment )
Khi đã vượt qua vòng testing và sửa lỗi thành công, nếu không còn vấn đề gì thì có thể đến bước triển khai. Kiểm thử viên tiến hành triển khai phát triển phần mềm ở môi trường thực tế, đồng thời quan sát các biến động.
Giai đoạn 6: Bảo trì (Maintaince)
Quy Trình Phát Triển Phần Mềm vẫn chưa kết thúc sau khi phần mềm của bạn được phát hành mở. Bạn có nhớ thuật ngữ “vòng đời” không? Sự kết thúc của một giai đoạn báo trước sự bắt đầu của giai đoạn tiếp theo và điều này cũng đúng đối với giai đoạn sau khi ra mắt.
Sau quá trình dùng thử, khách hàng sẽ đưa ra các mong muốn, chỉnh sửa, hoặc bổ sung các tính năng mới để đưa ra 1 sản phẩn hoàn hảo nhất, phù hợp với nhu cầu của họ.
Vòng đời phát triển phần mềm giúp đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đáp ứng đúng yêu cầu của người dùng, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí phát sinh trong quá trình phát triển.
Nguồn: Tacca Business Continue